Quản lý sức khỏe điện tử - lợi ích tầm chiến lược

Tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 98% dân số được quản lý sức khỏe điện tử, nói cách khác là dữ liệu về tình hình sức khỏe của 98% dân số sẽ được “số hóa”. “Số hóa” hồ sơ sức khỏe cá nhân là vấn đề hết sức quan trọng với mỗi người cũng như với cả cộng đồng.

Với toàn bộ dữ liệu liên quan đến sức khỏe được lưu trữ trên hệ thống, các bác sĩ dễ dàng hình dung được toàn cảnh sức khỏe của bệnh nhân, nắm bắt diễn biến sức khỏe trong suốt cuộc đời cũng như tại mỗi thời điểm cụ thể, việc chẩn đoán bệnh, chỉ định điều trị của thầy thuốc cũng chính xác hơn. Hơn thế nữa, cơ sở dữ liệu sức khỏe cộng đồng dân cư cho phép các nhà nghiên cứu có cái nhìn tổng thể về hiện trạng và dự báo về tương lai toàn cảnh sức khỏe, chăm sóc y tế của cộng đồng dân cư ấy. Việc “số hóa” hồ sơ sức khỏe người dân rất công phu nhưng lợi ích mang tầm chiến lược.

Nhiều lợi ích

Ngày đầu tiên khám lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân (HSSKCN), Trạm y tế Tây Thuận (Tây Sơn) có 7 bàn khám các chuyên khoa, 9 bác sĩ chuyên khoa của TTYT huyện khám sức khỏe toàn diện cho người dân. Kết thúc điểm khám tại trạm, đoàn tiếp tục khám tại các trường học trên địa bàn xã. Đến nay, dữ liệu HSSKCN của 140 người dân đang được xử lý. “Thời gian khám sức khỏe chỉ hơn một giờ. Khám tổng quát, tôi cũng biết mình mắc bệnh huyết áp cao. Các bác sĩ đã tư vấn, đưa tôi vào danh sách bệnh nhân được theo dõi, quản lý, điều trị tại cộng đồng”, anh Hoàng Văn Cang (xã Tây Thuận) nói

190519 baobd

Bác sĩ TTYT huyện Tây Sơn khám sức khỏe lập HSSKCN cho người dân xã Tây Thuận.

Theo Phó Giám đốc TTYT huyện Tây Sơn Nguyễn Nam Bình, đến nay 15/15 xã, thị trấn của huyện đang gấp rút thực hiện khám, tạo lập HSSKCN. Đoàn khám sức khỏe TTYT huyện đang hỗ trợ 14 xã tổ chức khám cho người dân để lập hồ sơ. Riêng thị trấn Phú Phong, cuối năm 2018 đã hỗ trợ tạo lập xong hồ sơ cho 1.000 người dân và tiếp tục cập nhật, bổ sung các thông tin có sẵn được quản lý tại trạm y tế. Khi lập hồ sơ, hầu hết các bệnh thông thường được phát hiện sớm và giải quyết ngay tại tuyến đầu, tránh diễn tiến bệnh nặng, giảm tải chuyển tuyến. Thông tin về sức khỏe của người bệnh được liên thông các tuyến, giúp chẩn đoán chính xác, hiệu quả điều trị cao.

Cuối năm 2018, sau khi 11 xã, phường, thị trấn được Sở Y tế chọn triển khai thí điểm ở 11 huyện, thành phố (1.000 HSSKCN/địa bàn), sang năm 2019 tất cả các địa phương đồng loạt “số hóa” HSSKCN. Giám đốc TTYT An Lão Dương Văn Tiếp cho biết, ở huyện miền núi, bên cạnh việc tập trung người dân đến khám tại các trạm y tế, huyện còn huy động đoàn thanh niên tổ chức các đợt khám cuối tuần.

Trong khi đó, địa bàn có mật độ dân số đông, công tác lập HSSKCN tại TX An Nhơn gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi huy động bác sĩ của TTYT khám ngoài giờ để hoàn thành mục tiêu, bước đầu mỗi xã, phường làm chắc 140 hồ sơ sức khỏe, sau đó tiếp tục bổ sung thông tin”, Phó Giám đốc TTYT TX An Nhơn Cao Văn Bảy cho hay.

Gấp rút tiến hành

“Từ ngày có hồ sơ sức khỏe điện tử, chỉ cần tôi đọc mã số cá nhân, là nhân viên y tế đã nắm được thông tin tiền sử bệnh tật của tôi”, ông Trần Tiên (thị trấn Phú Phong, Tây Sơn) chia sẻ. Hồ sơ sức khỏe ông Tiên được tạo lập cuối năm 2018, đến nay ông đã 7 lần khám bệnh tại trạm. Theo Trưởng Trạm y tế Phú Phong Hồ Thị Kim Oanh, mỗi người dân được gắn một mã định danh y tế, dữ liệu về sức khỏe sẽ tiếp tục được bổ sung vào hồ sơ khi người dân đi khám, chữa bệnh.

Sau gần 1 năm triển khai, ngành Y tế tỉnh đã hoàn thành cài đặt phần mềm quản lý sức khỏe điện tử công dân tại 100% trạm y tế và tập huấn nhân viên y tế. Các TTYT thực hiện khám sức khỏe cho công dân để cập nhật vào phần mềm, đưa dữ liệu từ phần mềm khám chữa bệnh vào phần mềm quản lý sức khỏe điện tử và liên thông giữa các tuyến...

Tuy nhiên, mọi việc không phải không có trục trặc. Bác sĩ Cao Văn Bảy cho biết, những xã đông dân, thời gian triển khai kéo dài, tốn nhiều kinh phí, nhân lực. Việc cập nhật thông tin để hoàn thành hồ sơ và liên thông, kết nối với phần mềm từ các chương trình y tế khá phức tạp. Đã vậy, thông tin hành chính do Trung ương cung cấp đổ vào phần mềm còn chưa chính xác, khó nhập dữ liệu.

Nói về những khó khăn, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng xác nhận: Để hoàn chỉnh các mục việc đã triển khai, ngành Y tế buộc phải vừa thực hiện vừa cập nhật, tinh chỉnh; đồng thời phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí, phối hợp Viettel và Sở TT&TT triển khai giải pháp đảm bảo an ninh mạng. Bảo mật thông tin dữ liệu HSSKCN là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Bình Định đã thống nhất ở tuyến xã, huyện và bệnh viện chuyên khoa đều sử dụng phần mềm Viettel, nên có nhiều thuận lợi trong kết nối liên thông, đồng bộ dữ liệu và bảo mật. Với một vài đơn vị còn dùng phần mềm khác, chúng tôi sẽ phối hợp với Viettel để triển khai thống nhất luôn.

Tác giả bài viết: Thu Hiền

Nguồn tin: Báo Bình Định online