Khám chữa bệnh BHYT: Vừa điều trị, vừa lo giữ quỹ!

Với hơn 632 tỷ đồng chi khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm nay (đạt 111% dự toán giao), “sức nóng” bội chi quỹ BHYT của Bình Ðịnh đã giảm nhiều. Tuy nhiên, những “nút thắt” trong cơ chế thanh quyết toán khiến các cơ sở khám chữa bệnh BHYT rối bời khi vừa lo điều trị, vừa lo giữ quỹ.

 170719 Kham chua benh BHYT

Khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng

 

“Siết” ngày điều trị, chỉ định dịch vụ 

Thống kê của hệ thống giám sát giám định BHYT, tỷ lệ sử dụng quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT đến nay của tỉnh đạt 50,23%, đứng thứ 23/63 tỉnh, thành. Trong cơ cấu thanh toán BHYT thì chỉ có tỷ lệ bệnh nhân cho nhập viện và chi phí bình quân nội trú nhỉnh hơn so cùng kỳ năm trước. Các chi phí dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh đều tương đương nhau.

Đáng nói, trong cơ cấu KCB, ngày điều trị bình quân nội trú tại các cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh và huyện giảm mạnh, chỉ còn 6,38 ngày (cùng kỳ năm trước là 7,08 ngày). Ấn tượng nhất là BVĐK tỉnh với số ngày điều trị bình quân giảm sâu từ 7 ngày xuống chỉ còn 6,5 ngày, còn các TTYT huyện, thị xã, thành phố cũng không quá 6 ngày.

Theo tìm hiểu, để đối phó với bội chi quỹ, giải pháp giảm ngày điều trị nội trú là ưu tiên hàng đầu của các cơ sở KCB. Bên cạnh đó là giảm tỷ lệ nhập viện; sử dụng thuốc hợp lý; không lạm dụng cận lâm sàng như siêu âm, điện não, điện tim, CT-Scanner, xét nghiệm máu...

“Ngày điều trị bình quân nội trú đã giảm xuống chỉ còn 6,38 là một con số khó có thể giảm thêm được nữa. Nếu chấn chỉnh được vấn đề cho nhập viện thì chắc chắn việc cân đối dự toán chi KCB BHYT sẽ được giải quyết. Phạm vi mô hình bệnh tật 6 tháng đầu năm 2018 và 2019 tương đương nhau, không có phát sinh dịch bệnh bất thường hay triển khai thêm các dịch vụ kỹ thuật mới, hiện đại thì người bệnh BHYT được hưởng quyền lợi đảm bảo”, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hà Thúc Chí, cho hay. 

“Hiện nay, lãnh đạo cơ sở KCB đều lo sợ vượt dự toán KCB BHYT, kể cả vượt do khách quan. Những vấn đề này sẽ được giải quyết khi mới đây Chính phủ ra Nghị quyết yêu cầu BHXH Việt Nam thanh toán đúng giá dịch vụ kỹ thuật quy định của Thông tư 39/2018/TT-BYT. Mặt khác, Nghị định 146/2018/NÐ-CP quy định tổng mức thanh toán chi phí KCB hàng năm cho cơ sở KCB bằng tổng chi phí KCB năm liền kề, cộng chi phí phát sinh do khách quan và nhân với hệ số điều chỉnh biến động giá cả. Nếu làm đúng Nghị định 146 sẽ không còn giao dự toán KCB BHYT, khi đó nỗi lo xuất toán KCB BHYT không quá nặng nề”.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh HÀ THÚC CHÍ

Nỗi sợ mang tên “xuất toán” BHYT

Với đà giảm bội chi quỹ này, BHXH tỉnh dự báo bội chi BHYT tại các cơ sở KCB cả năm 2019 sẽ khoảng 10%. Với cơ quan quản lý quỹ BHYT thì đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, câu chuyện giám định chi phí KCB BHYT nhức nhối nhất giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH là ở cụm từ “lạm dụng” trong chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật hoặc thuốc điều trị rộng rãi. Hiện tại, hầu hết các cơ sở KCB BHYT đều cho rằng, dự toán giao không đủ chi cho KCB BHYT. Trước sức ép đảm bảo không vượt dự toán, các cơ sở KCB phải dùng các biện pháp khống chế trong chỉ định dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, sử dụng thuốc “chặt” hơn, nằm viện ngắn ngày hơn…

Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình nêu thực trạng, các bệnh viện vừa lo nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, vừa lo vượt quỹ, vượt trần. Cơ quan BHXH kiểm tra gắt gao để hạn chế trục lợi BHYT là đúng, nhưng nhiều trường hợp, nhất là chỉ với những sơ sót nhỏ về mặt hành chính cũng sẵn sàng từ chối thanh toán. “Đảm bảo dự toán KCB BHYT chủ yếu không được lạm dụng quỹ, hạn chế chi phí không cần thiết, còn những giải pháp khác quá cứng nhắc sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi bệnh nhân”, ông Bình nói.

“Những bất cập trong thanh quyết toán chi phí KCB BHYT chủ yếu là do giá dịch vụ kỹ thuật trong quy định Thông tư 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế chưa rõ ràng, chưa phù hợp thực tế. Quy định pháp luật về BHYT còn một số điểm bất cập, đặc biệt là sự mâu thuẫn giữa khả năng cân đối quỹ BHYT và quyền lợi của người tham gia BHYT. Các cơ sở KCB cũng gặp khó về hồ sơ thủ tục, thanh quyết toán chưa kịp thời…”, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng nêu vấn đề.

Tác giả bài viết: MAI HOÀNG 

Nguồn tin:Báo Bình Định Online