Mở lối sáng cho trẻ khiếm thị

Khác với thế hệ đi trước, những đứa trẻ khiếm thị trong tỉnh sinh từ năm 1998 trở đi đã có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với giáo dục văn hóa, phát triển bản thân. Thông qua sự kết nối của Hội Người mù tỉnh, trong 10 năm, đã có 26 trẻ khiếm thị được đi học văn hóa.

220719 baobd Mo loi sang cho tre khiem thi

Trong những ngày hè ngắn ngủi, Gia Hân (bên phải) vui vẻ kể cho mẹ nghe về những ngày tháng học tập ở nơi xa. 

Thuộc nhóm các trẻ khiếm thị đầu tiên được Hội Người mù tỉnh đưa vào lớp can thiệp sớm tại Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, tổ chức năm 2014), bé Võ Dương Gia Hân (11 tuổi, quê ở thôn Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh) hiện sắp sửa bước vào lớp 5 tại Trường Tiểu học Long An (xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Nơi đang bao bọc, hỗ trợ bé là Mái ấm khiếm thị Long Thành.

Đón cô con gái về nhà trong vài ngày hè ngắn ngủi, chị Dương Thị Hoa (35 tuổi), mẹ Gia Hân, vui mừng. Chị kể: “Gia Hân cao lớn, phổng phao. Về nhà là muốn giúp mẹ việc nhà, tự giặt đồ của hai chị em, tắm cho em, chỉ em học bài. Thấy con dạn dĩ, ra dáng chị hai dù khiếm khuyết đôi mắt, vợ chồng tôi, ông bà hai bên phần nào yên lòng”.

5 năm về trước, chị Hoa sinh đứa con thứ hai nên không thể đích thân đưa con tham dự lớp can thiệp sớm tại TP Hồ Chí Minh. Bà ngoại là người đồng hành cùng Gia Hân. Qua các buổi tập huấn, rèn luyện, các nhân viên tại Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng cho rằng Gia Hân đủ năng lực để tham gia học tập với các bạn bên ngoài nên đề nghị cả gia đình để Hân ở lại. Dù được miễn phí tiền ăn, ở, chăm sóc cho Hân nhưng thời điểm đó, cả gia đình đều rất lo lắng khi phải chọn gửi con lại. Bản thân Gia Hân cũng sợ hãi.

“Con sợ cả nhà bỏ con luôn, không đưa con về nhà nữa. Con nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ bà. Nhưng rồi, chừng một tuần là con quen dần với các dì, các sơ. Con được chuyển từ Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng đến Mái ấm khiếm thị Long Thành, được đi học hòa nhập cùng với các bạn mắt sáng. Mỗi ngày, con đều được các dì kèm học bài mới trước khi lên lớp để theo kịp các bạn mắt sáng. Vì mắt vẫn còn thấy mờ mờ nên con sử dụng cả chữ nổi và chữ viết để viết bài, làm bài tập”, Hân kể.

Từ học lực khá lên học lực giỏi trong năm học vừa qua, bé Nguyễn Lâm Tâm Như (15 tuổi, quê ở phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) khẳng định với nhiều người về nghị lực của người khuyết tật. Ba bé, anh Nguyễn Văn Mười (36 tuổi) luôn cho rằng: “Tôi, từng ngày, đều mừng với từng cố gắng, kết quả học tập của cháu. Tôi biết so với người bình thường, những kết quả của học tập cháu rất bình thường nhưng điều làm tôi vui là cháu biết vượt lên chính mình, biết cố gắng. Ngày trước, nhìn mắt cháu yếu dần, tôi lo lắng cho tương lai. Vào Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng thăm con, chứng kiến các cô khiếm thị làm việc, hỗ trợ học tập cho các cháu, tôi lóe lên hy vọng. Mong con rồi cũng trở thành người có ích như các cô”.

Nụ cười của các phụ huynh, hy vọng của họ khi nói về ngày mai của những đứa con khiếm thị đang chăm chỉ học hành, từng ngày rèn luyện sẽ làm những người đến hỏi thăm ấm lòng, tin tưởng. Mở ra con đường học tập cho các bé không chỉ làm người lớn phần nào an lòng mà còn gợi mở ước mơ cho trẻ khiếm thị. Hầu hết những đứa trẻ khiếm thị đang được học văn hóa đều rất dạn dĩ, nhiều năng lượng khi nói về ước mơ. Bé Lê Minh Quốc (14 tuổi, quê ở thôn Luật Bình, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) gật đầu chắc chắn, bảo: “Con muốn thành thầy giáo dạy nhạc vì muốn truyền đam mê cho các em nhỏ khiếm thị có năng khiếu về âm nhạc giống con. Để hướng tới ước mơ đó, ngoài giờ lên lớp, con chăm chỉ tập đàn với các cô, dì. Tháng 6 vừa qua, tại Ngày hội trẻ em khuyết tật Hòn Tằm (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), con đã đạt giải ba môn đàn organ”.

Bà Lê Thị Kim Phụng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng - nơi đang có 8 trẻ khiếm thị của Bình Định - được hỗ trợ học tập chia sẻ: “Là trẻ khiếm thị nhưng mỗi trẻ đều có một năng khiếu khác nhau, một lực học khác nhau. Chưa kể là một số cháu còn bị đa tật nên dù hơn 10 tuổi nhưng năng lực nhận biết mới như trẻ 4, 5 tuổi. Nhưng điều mà chúng tôi cảm nhận rõ nhất, cùng là động lực để chúng tôi cố gắng hỗ trợ các cháu chính là niềm hạnh phúc khi được đến trường, niềm hạnh phúc khi có một không gian học tập, sinh hoạt, rèn luyện như bạn bè bình thường”.

Tác giả bài viết:  NGUYỄN MUỘI

 Nguồn tin: Báo Bình Định Online