Bệnh võng mạc tiểu đường
Tiểu đường là một tình trạng xảy ra khi tuyến tụy cơ thể chúng ta tiết không đủ insulin hoặc cơ thể mất khả năng chuyển hóa insulin một cách hợp lý. Insulin là một nội tiết tố điều chỉnh nồng độ đường trong máu. Tiểu đường có hai loại: type I và type II. Type I gặp ở người dưới 40 tuổi và type II gặp ở người trên 40 tuổi.
Tiểu đường ảnh hưởng lên võng mạc mắt như thế nào?
Tiểu đường gây đục thủy tinh thể (cườm khô) và tăng nhãn áp (cườm nước) nhưng ảnh hưởng của nó trên võng mạc mới là mối đe dọa gây mù. Phần lớn các bệnh nhân có những thay đổi ở đáy mắt diễn ra sau 15-20 năm mắc bệnh tiểu đường. Tổn thương của võng mạc trên người bị bệnh tiểu đường gọi là bệnh võng mạc do đái tháo đường.
Tiểu đường tác động vào những mạch máu của lớp thần kinh mắt (võng mạc) một cách âm thầm. Giai đoạn sớm nhất của bệnh được gọi là bệnh võng mạc tiểu đường giai đoạn không tăng sinh. Trong giai đoạn này động mạch trên võng mạc trở nên yếu và dòn dễ vỡ tạo thành những đốm xuất huyết nhỏ dạng chấm. Những mạch máu bị hư hại này làm cho võng mạc sưng phồng và dày lên, gây giảm thị lực. Giai đoạn kế tiếp là giai đoạn tăng sinh.Trong giai đoạn này những biến đổi ở những mạch máu nhỏ ở võng mạc càng làm cho nó thiếu ô-xy và thiếu máu. Tình trạng thiếu oxy kích thích tăng sinh các mạch máu mới để bù đắp sự thiếu hụt oxy của võng mạc. Các mạch máu này được gọi là tân mạch có đặc điểm rất dễ vỡ. Khi vỡ thành mạch, máu có thể chảy vào võng mạc và dịch kính gây ra hiện tượng ruồi bay hay mạng nhện trước mắt sau đó là giảm thị lực. Thị lực bị giảm do bệnh võng mạc tiểu đường thường không phục hồi.
Trong giai đoạn trễ hơn các mạch máu bất thường và sẹo võng mạc tiếp tục phát triển có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như co kéo gây bong võng mạc hoặc tăng nhãn áp (cườm nước).
Triệu chứng biểu hiện:
Ảnh hưởng của bệnh võng mạc tiểu đường đến thị lực (sức nhìn) thay đổi tùy theo giai đoạn của bệnh. Dưới đây là một vài triệu chứng biểu hiện của bệnh (tuy nhiên cũng có những biểu hiện khác).
- Nhìn mờ (thường liên quan đến nồng độ đường trong máu)
- Ruồi bay và chớp sáng
- Giảm thị lực đột ngột
- Mù lòa ở giai đoạn cuối
Phát hiện và chẩn đoán:
- Bệnh nhân tiểu đường nên đi khám mắt định kỳ để phát hiện những rối loạn bất thường ở mắt và điều trị càng sớm càng tốt. Hầu hết các bệnh nhân đi khám bác sĩ nội và nội tiết sau đó được chuyển đến bác sĩ mắt.
- Việc chẩn đoán bệnh lý võng mạc tiểu đường được thực hiện sau khi bác sĩ thăm khám mắt bằng đèn soi đáy mắt. Phần lớn bệnh nhân võng mạc tiểu đường được chuyển đến bác sĩ chuyên về đáy mắt.
Điều trị
- Bệnh lý võng mạc tiểu đường được điều trị bằng nhiều phương pháp phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh và những biến chứng của nó. Bác sĩ điều trị dựa vào nhiều khám nghiệm để lượng giá quá trình tiến triển của bệnh và quyết định phương pháp điều trị thích hợp. Các khám nghiệm này bao gồm: chụp hình võng mạc, chụp mạch máu võng mạc huỳnh quang, siêu âm mắt…
- Sự tăng sinh bất thường của những mạch máu nhỏ trong võng mạc và biến chứng xuất huyết của nó là một trong những vấn đề được bác sĩ điều trị. Phẫu thuật laser hay còn gọi là quang đông toàn bộ võng mạc là lựa chọn điều trị cho biến chứng này. Tia laser được sử dụng để phá hủy mô võng mạc bệnh lý, thiếu oxy, nhằm ngăn ngừa tân mạch tiến triển và hàn gắn những chỗ bị rò rỉ. Mục đích điều trị là ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
- Cắt dịch kính là một phẫu thuật phổ biến khác cho bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng xuất huyết dịch kính. Các bác sĩ sẽ lấy đi máu và dịch kính thay thế bằng một loại dung dịch muối đẳng trương trong suốt, đồng thời cắt đi những dải xơ bám vào võng mạc ngăn ngừa khả năng co kéo gây rách và bong võng mạc.
- Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ bị rách và bong võng mạc cao hơn người bình thường. Có thể hàn lỗ rách võng mạc bằng tia laser. Bong võng mạc đòi hỏi điều trị phẫu thuật để áp võng mạc vào thành sau của mắt. Tiên lượng phụ thuộc vào mức độ trầm trọng của tổn thương…
Dự phòng:
- Nên giữ mức đường huyết ổn định
- Ăn kiêng và tập thể dục đều đặn
- Khám mắt định kỳ ở bệnh viện có chuyên khoa mắt
- Khi có chỉ định, điều trị các tổn thương võng mạc bằng laser để tránh biến chứng trước khi gây giảm và mất thị lực vĩnh viễn