Đạo đức, một vấn đề quan tâm hàng đầu của Bác

Bạn đánh giá: 0 / 5

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo cách mạng bàn nhiều nhất đến vấn đề đạo đức. Theo Bác, con người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính; nếu thiếu một đức thì không thành người. Những tư tưởng lớn của Bác về đạo đức, nằm trong những bài viết, bài nói ngắn gọn, hàm xúc theo phong cách rất phương Đông, gần gũi, dễ hiểu.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, được kế thừa tư tưởng đạo đức phương Đông và những tinh hoa đạo đức của nhân loại. Có thể nói, với tư duy độc lập và sáng tạo, Hồ Chí Minh đã xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, thực hiện một công việc kế thừa có chọn lọc, thâu tóm những giá trị đạo đức của quá khứ, đề xuất những tư tưởng, đạo đức mới, phù hợp với yêu cầu của cách mạng việt Nam trong thời đại mới.

Và hơn ai hết, Bác Hồ lại là người thực hiện trước tiên những điều mình đã nói, đã viết. Bác vừa là nhà đạo đức học lớn, vừa là tấm gương đạo đức trong sáng, tiêu biểu nhất. ở Bác, một đặc trưng nổi bật, một nét rất riêng là luôn có sự thống nhất giữa tư tưởng và hành vi, động cơ và hiệu quả, giữa lý luận và thực tiễn. Bởi vậy, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không chỉ thông qua những tác phẩm của Người về đạo đức, mà quan trọng hơn phải thông qua chính thực tế được thể hiện trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, thông qua những cử chỉ, những việc làm được coi là mẫu mực đạo đức trong sáng mà Bác để lại cho Đảng, cho dân tộc, cho nhân loại.

BTS (Theo HNM)