Bệnh giun đũa ở mắt
Toxocara là loại giun đũa trắng có kích thước khoảng 300-400 micron, sống ký sinh ở chó, mèo. Chu trình sinh học của nó diễn ra ở chó, mèo và giun đũa chó trưởng thành trong ruột chó. Trứng giun theo phân chó ra ngoài, phát triển trong đất từ 2 đến 3 tuần. Trứng này rất bền vững và có thể sống đến hai năm nhờ lớp vỏ bao dày.
Trứng giun theo thức ăn hoặc tay bẩn (khi trẻ chơi với chó, đất cát) qua miệng vào ruột người. Tại đây, trứng nở thành ấu trùng rồi theo đường máu di chuyển đến các nội tạng khác như phổi, mắt, gan, não… Biểu hiện lâm sàng của bệnh có thể là bệnh ấu trùng nội tạng hay bệnh Toxocara ở mắt.
Chẩn đoán
Trứng giun không thải ra ngoài theo phân nên việc chẩn đoán phải dựa vào sự hiện diện của kháng nguyên của ấu trùng trong máu. Từ năm 1996, đã có thể dùng phương pháp chẩn đoán huyết thanh để phát hiện bệnh một cách hiệu quả.
Số trẻ bị viêm màng bồ đào do Toxocara được phát hiện tại Trung tâm Mắt ngày càng tăng: từ 14 ca (năm 1998) lên 22 ca (năm 1999) và 34 ca (năm 2000). Phân tích theo lứa tuổi thấy trẻ 7-8 tuổi chiếm đa số (gần 76%) trong khi trẻ dưới ba tuổi chỉ chiếm gần 7%. Có khả năng là do trẻ lớn hay chạy chơi, tiếp xúc với chó và đất cát hơn trẻ nhỏ.
Điều trị
Dùng thuốc diệt ký sinh đặc hiệu, nhưng kết quả rất giới hạn: Thị lực chỉ được cải thiện trong 48% trường hợp. Nguyên nhân thường là do:
- Phát hiện bệnh muộn: Bệnh nhân bị đau một bên mắt, chỉ có biểu hiện nhìn mờ nên không được phát hiện kịp thời. Khi đến viện thì đã bị co kép pha lê thể - võng mạc hoặc có phản ứng viêm nhiễm.
- Bệnh nhân bị viêm màng bồ đào sau, bệnh thường dai dẳng và rất khó điều trị. Thị lực phục hồi kém do thuốc điều trị vào màng này ít.
Kinh nghiệm điều trị phẫu thuật chưa thống nhất nên chưa được áp dụng cho trẻ bị Toxocara mắt.
Phòng ngừa
- Không cho trẻ tiếp xúc quá gần với chó mèo.
- Giáo dục trẻ giữ vệ sinh, rửa tay trước khi ăn để giảm bớt nguy cơ nuốt phải trứng Toxocara.