PHÓ GIÁO SƯ ĐÀO XUÂN TRÀ - "TẤT CẢ VÌ NHÂN DÂN"

Nhân kỷ niệm 90 năm, ngày sinh (02/02/1924), 30 năm ngày mất (06/01/1984) của Phó Giáo sư Đào Xuân Trà Cố Viện trưởng Viện Mắt, tiến tới kỷ niệm 100 năm thành lập Bệnh viện Mắt Trung ương (1917 – 2017), và 60 năm phục vụ chính quyền cách mạng (1957 – 2017), chúng tôi những người học trò đã được Phó Giáo sư dạy dỗ, rèn luyện, đã trưởng thành, nhưng luôn nhớ về người thầy vô cùng đáng kính.

Phó GS. Đào Xuân Trà: Trước Cách mạng là học sinh tại trường Bưởi. Từ cuối năm 1944 đến tháng 8/1945 tham gia hoạt động Việt Minh  tại địa phương.

Tháng 10/1945 là Ủy viên UBND Cách mạng huyện Ứng Hòa. Năm 1946 làm Chính trị viên Đại đội đơn vị chiến đấu.

Từ 1946 - 1964 là sinh viên Quân Y, học Chuyên khoa Mắt ở Bộ Y tế và tốt nghiệp nghiên cứu sinh tại Leningrad

Năm 1964 - 1976 Chủ nhiệm khoa Mắt bệnh viện 108. Đại tá Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

Từ 1976 - 1984: Viện trưởng Viện Mắt, kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Mắt trường Đại học Y Hà Nội, Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam.

PGS. Đào Xuân Trà 

Tên tuổi PGS. Đào Xuân Trà gắn liền với bước đâu xây dựng, phát triển của ngành Mắt Quân đội và ngành mắt Việt Nam. Phó Giáo sư là người thầy thuốc tận tụy, đức độ, giản dị, là một biểu tượng đẹp về sự hy sinh và cống hiến cho nhân dân, vì nhân dân.

Phó GS. Đào Xuân Trà sinh năm 1924 ở Mỹ Đức - Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống nho giáo. Cụ thân sinh Đào Xuân Mai làm quan trong triều hơn 10 năm nhưng do chán cảnh quan trường nên cáo quan về quê. PGS. Đào Xuân Trà là con trai cả trong gia đình có 8 anh em, 3 con trai là giáo sư, 4 người là thầy thuốc.

Ông tốt nghiệp đại học chính quy Y khoa Hà Nội năm 1954. Ông làm Viện trưởng Viện Quân Y5. Tốt nghiệp chuyên khoa Mắt Bộ Y tế năm 1955. Bác sĩ Đào Xuân Trà làm nghiên cứu sinh tại Leningrad - Liên Xô (1960 - 1964).

Ông nghiên cứu về chấn thương mắt chung. Luận văn Phó Tiến sĩ của ông: "So sánh một số phương pháp điều trị bỏng hóa chất nặng trên mắt".

Ông đã có 2 đề tài:

1. Tác dụng của bóc tách kết mạc và chọc tiền phòng trong điều trị hóa chất của mắt.

2. Tác dụng của ghép giác mạc nông và thuốc giãn mạch trong bỏng mắt.

Hai đề tài này được báo cáo trong Hội nghị Bỏng ở Liên Xô năm 1963. Về nước ông làm chủ nhiệm Khoa mắt Viện quân y 108. Là người thầy thuốc quân y, ông đã chứng kiến bao cảnh đau đớn của chiến sỹ, đồng bào ta trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông đã tổ chức lãnh đạo quân y hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông luôn động viên các thương binh như lời Bác Hồ dạy "thương binh tàn nhưng không phế". Họa sỹ Lê Duy Ứng đã được ông động viên để đi tiếp con đường thành họa sỹ tài năng.

  Bên ngoài hội nghị Bỏng tại Liên xô (1963)

Từ năm 1963 – 1978, ông đã có 23 đề tài nghiên cứu khoa học được công bố trong và ngoài nước. Đề tài của ông về chấn thương, vết thương đụng dập mắt do bom bi, xử lý kẹt mống mắt do chấn thương, đục thủy tinh thể chấn thương, biểu hiện ở mắt do chấn thương sọ não, nhãn viêm giao cảm, di chứng vết thương chiến tranh…

Ông đã nghiên cứu tổn thương mắt của quân dân ta do bom bi, quả bom thật khủng khiếp nhiều mảnh, làm chảy máu mắt, xuyên vào hốc mắt, rất khó lấy ra vì là những bi tròn. Bom mìn đã làm quân dân ta bị thương vào đầu, ông đã nghiên cứu những biểu hiện ở mắt để điều trị cho hiệu quả. Nhãn viêm giao cảm cũng là lĩnh vực mà ông và học trò của mình đã dày công nghiên cứu, phải làm gì để giữ mắt mà không ảnh hưởng đến mắt còn lại của người bệnh. Chiến tranh đã qua đi nhưng nó còn để lại bao di chứng trên mắt của chiến sỹ, đồng bào. Ông đã tìm hiểu, khắc phục di chứng chấn thương với phương châm còn nước còn tát, để mang lại cho người bệnh dù là một chút ánh sáng.

Phó GS. Đào Xuân Trà đã báo cáo "Tổn thương mắt do Tordon và Selest" ở Hội nghị chống chiến tranh hóa học ở Paris tháng 11/1970.

Ông đã được vinh dự điều trị mắt cho Bác Hồ từ năm 1965 - 1968.

Ông làm Viện trưởng Viện mắt từ năm 1976 trong giai đoạn đất nước vừa thống nhất. Ông đã lãnh đạo cán bộ, công nhân viên bệnh viện vượt lên khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phó GS. Đào Xuân Trà là người thầy của lớp bác sĩ Nhãn khoa quân đội của cả nước. PGS đã hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, bác sĩ nội trú, học viên cao học, bác sĩ chuyên khoa cấp 2 … làm luận án tốt nghiệp đạt kết quả tốt.

Năm 1980, PGS Đào Xuân Trà có sáng kiến lấy sợi tơ tằm (tại làng Trinh Tiết, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây cũ – Quê hương ông) kết hợp với khoa Hóa, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, sản xuất ra chỉ tơ tằm được chuốt silicon dùng trong phẫu thuật nhãn khoa, khắc phục tình trạng thiếu chỉ phẫu thuật lúc bấy giờ. Bác sĩ nội trú Trần An, khóa IV Đại học Y Khoa Hà Nội đã được PGS hướng dẫn làm luận án tốt nghiệp với đề tài “Chỉ tơ tằm – silicon trong phẫu thuật nhãn khoa” đã được bảo vệ thành công năm 1982, đạt loại giỏi.

Ông luôn dặn: Các cụ nói "Đôi mắt là vàng". Người thầy thuốc phải có tâm đức với nghề. Phải xem nỗi đau của người bệnh như nỗi đau của chính mình. Nếu xử lý vết thương không làm sạch, để nhiễm trùng thì còn gì mà chữa cho người bệnh nữa.

Ông dạy học sinh từ việc nhỏ nhất, luôn là người thầy nghiêm khắc nhưng cũng rất đôn hậu, sống giản dị, chân thật.

Từ những năm 1978 với báo cáo "Thanh toán quặm một nguyên nhân gây mù lòa ở Việt Nam" tại Hội nghị Nhãn khoa thế giới lần thứ XXIII ở Tokyo - Nhật Bản. PGS. Đào Xuân Trà đã mong muốn Việt Nam có máy chụp võng mạc, để có thể điều trị tốt cho nhân dân.

  PGS. Trà báo cáo tại hội nghị Nhãn khoa thế giới tổ chức tại Nhật bản (1978)

Đi đến đâu, làm bất cứ việc gì ông cũng luôn nghĩ sao mang kiến thức, hiểu biết của mình hướng dẫn cho các bác sỹ tuyến dưới làm việc.

PGS. Đào Xuân Trà luôn dạy: Học, học nữa học mãi kiến thức ngành y không cập nhật thì không giúp được dân. Nói thạo tiếng Pháp, Nga, Anh nhưng ông luôn khiêm tốn.

 PGS. Đào Xuân Trà làm việc với các chuyên gia Nhật Bản (5- 1978) 

Ông dạy học trò: “kiến thức của ta như quả bóng tròn, càng biết nhiều lại càng cảm thấy chưa đủ”. Đất nước thống nhất, ông lãnh đạo công tác chỉ đạo tuyến, giúp đỡ đồng bào miền Nam khắc phục di chứng nặng nề của chiến tranh. PGS. Đào Xuân Trà vào Nam cùng anh em xây dựng lại Bệnh viện mắt TP. Hồ Chí Minh, với trọng trách là Viện trưởng Viện Mắt, PGS luôn quan tâm, hướng dẫn và kiểm tra các hoạt động của chuyên khoa mắt tại các tỉnh thành của cả nước, để họ vươn lên hơn nữa, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sự trong sáng cho đôi mắt của nhân dân.

Ông luôn cùng sống và làm việc với cán bộ nhân viên, luôn thương người như thể thương thân.

PGS. Đào Xuân Trà luôn ước muốn sao cho dân ta hết khổ, giảm đau đớn cho người bệnh. Ông đã nuôi dậy hai con gái, con rể làm bác sĩ để giúp ích cho đời. Gia đình PGS Đào Xuân Trà là gia đình duy nhất trong các gia đình Giám đốc Bệnh viện Mắt TW, có 3 thế hệ liên tiếp làm việc trong ngành nhãn khoa Việt Nam.

Bao nhiêu ước mơ, hoài bão của ông để giúp dân, giúp nước đã bị căn bệnh hiểm nghèo cướp mất. Ông mất ngày 06/01/1984. Thọ 60 tuổi, tang lễ được tổ chức tại Hà Nội.

Những đóng góp lớn lao của ông cho ngành Mắt và Y tế Việt Nam đã được Nhà nước, nhân nhân ghi nhận.

Ông đã được Nhà nước trao tặng: Huân chương Kháng chiến, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang. Huân chương chiến công hạng nhất.

Các thế hệ bác sĩ nhãn khoa luôn nhớ về PGS. Đào Xuân Trà, một người thầy thuốc khiêm tốn, giản dị nhưng luôn tiến lên phía trước, phấn đấu vì mục đích cao cả vì nhân dân phục vụ.

Ba mươi năm đã trôi qua, PGS. Đào Xuân Trà đã đi về cõi vĩnh hằng, chúng tôi những học trò của PGS luôn luôn nhớ về người thầy giáo, người thủ trưởng cũ, con người đôn hậu, tài năng. Chúng tôi luôn noi gương thầy, cố gắng rèn luyện, tu dưỡng, cùng với các đồng nghiệp làm việc tốt hơn nữa, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ giữ gìn sự trong sáng của đôi mắt cho nhân dân, cũng là kế tục sự nghiệp còn dang dở của PGS. Đào Xuân Trà. Nhân ngày giỗ lần thứ 30 của thầy, chúng tôi hoàn thành bài viết này, nêu lại một cách sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp của PGS trong những năm qua. Xin dâng một nén tâm nhang để nhớ về PGS. Đào Xuân Trà, mà hình ảnh của Thầy còn sống mãi trong trái tim của chúng tôi.

 

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2014

PGS. Trần An và Ths. Bùi Đào Quân

Theo website VNIO